Canada không cấp giấy phép làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên chương trình liên kết công – tư từ ngày 15/5, sớm hơn 3,5 tháng so với trước.
Thông tin được Cơ quan Di trú Canada (IRCC) công bố trên website hôm 22/3.
Cách đây gần hai tháng, IRCC đã thông báo ngừng cấp giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) cho những sinh viên nhập học chương trình liên kết công – tư kể từ ngày 1/9. Hiện, IRCC cho biết thời hạn mới là ngày 15/5, tức sớm hơn 3,5 tháng so với quyết định cũ.
“Thay đổi nhằm ngăn cản các trường sửa đổi ngày nhập học”, người phát ngôn của IRCC nói. Trước đó, một số trường lách quy định bằng cách dời lịch khai giảng học kỳ mùa thu, thường bắt đầu vào tháng 9, sang tháng 6 hoặc 8.
Mô hình công – tư là một trường công lập tiếp nhận sinh viên quốc tế, rồi gửi họ đến một trường tư để đào tạo. Trường đại học tư trả một khoản phí cho trường công lập, còn sinh viên quốc tế nhận được bằng đại học công lập để đăng ký PGWP.
IRCC nhấn mạnh không cấm sinh viên tốt nghiệp từ các trường này xin các loại giấy phép làm việc khác sau tốt nghiệp. Ví dụ, họ có thể nộp đơn xin giấy phép lao động trong các ngành, nghề đang thiếu nhân lực và được chủ lao động bảo lãnh. Trong khi PGWP là giấy phép mở, cho phép người lao động làm việc tự do, tối đa 36 tháng sau khi tốt nghiệp.
Ontario, nơi có ít nhất 14 trường theo mô hình công – tư, là bang chịu ảnh hưởng lớn nhất sau quyết định của IRCC. Theo ước tính, bang này sẽ mất khoảng 133.000 sinh viên quốc tế.
Bà Jill Dunlop, người đứng đầu cơ quan quản lý đại học và cao đẳng ở Ontario, cho biết 96% số giấy phép du học sẽ được dành cho các trường công lập. Còn lại dành cho các trường tư và tổ chức. Chỉ tiêu về giấy phép du học do IRCC phân bổ cho từng bang, chưa được công khai.
Canada liên tiếp siết các quy định với sinh viên quốc tế, kể từ tháng 10/2023, trong bối cảnh số người nhập cư tăng. Theo Cơ quan thống kê Canada, vào quý 3 năm ngoái, dân số nước này tăng thêm khoảng 430.600 người, 96% là người nhập cư. Đây là mức tăng nhanh nhất trong hơn 6 thập kỷ qua.
Số sinh viên có giấy phép học tập vào năm 2023 là hơn 1,02 triệu (gồm cả giấy phép cũ và cấp mới), cũng là mức kỷ lục. Điều này góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng căn hộ cho thuê, đẩy giá thuê lên cao. Vào tháng 12 năm ngoái, giá thuê nhà trên toàn quốc đã tăng 7,7% so với một năm trước đó.
IRCC đặt mục tiêu năm nay cấp 360.000 giấy phép du học mới, giảm 35% so với năm ngoái, nhằm đảm bảo những sinh viên chân chính nhận được sự hỗ trợ đầy đủ. Đồng thời, nước này ổn định số sinh viên đến và giảm bớt áp lực về nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng các dịch vụ khác.
Ngoài sinh viên theo chương trình liên kết công – tư, giấy phép lao động cũng không được cấp cho vợ hoặc chồng của sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân. Muốn du học Canada, sinh viên phải chứng minh có hơn 20.600 CAD (15.200 USD) trong tài khoản, ngoài học phí và chi phí đi lại, tăng gấp đôi so với trước.
Canada là một trong hai điểm đến thu hút sinh viên quốc tế nhất thế giới, cùng với Mỹ. Lý do là việc cấp giấy phép làm việc cho du học sinh sau tốt nghiệp khá dễ dàng, với thời hạn 8-36 tháng, tùy độ dài chương trình học. Giáo dục quốc tế mang lại hơn 22 tỷ CAD (16 tỷ USD) hàng năm cho nền kinh tế nước này.
Khoảng 40%, sinh viên quốc tế ở Canada đến từ Ấn Độ, tiếp đó là Trung Quốc với khoảng 12%. Số sinh viên Việt Nam là hơn 16.000.
Chi phí trung bình để học bậc cử nhân ở Canada khoảng 36.000 CAD (656 triệu đồng) một năm, gồm học phí, sinh hoạt phí.
Theo VNE
Tham khảo thêm: